Đề cương ôn tập môn Ngữ văn Khối 7

1. Tục ngữ:

- Học thuộc lòng các câu tục ngữ thuộc chủ đề về thiên nhiên và lao động sản xuất; tục ngữ về con người và xã hội.

- Giải thích câu tục ngữ và hiểu ý nghĩa các câu tục ngữ.

2. Câu rút gọn:

- Khái niệm: Là câu lược bỏ một số thành phần (chủ ngữ, vị ngữ), nhưng dựa vào ngữ cảnh có thể phục hồi lại được.

VD: Bạn đang làm gì thế? – Học bài.

(Rút gọn chủ ngữ, có thể phục hồi là Tôi đang học bài)

- Tác dụng: Làm cho câu ngắn gọn hơn, thông tin nhanh, tránh việc lặp những từ ngữ đã xuất hiện trước đó; ngụ ý dùng chung cho mọi người.  

doc 10 trang Khánh Hội 17/05/2023 1980
Bạn đang xem tài liệu "Đề cương ôn tập môn Ngữ văn Khối 7", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đề cương ôn tập môn Ngữ văn Khối 7

Đề cương ôn tập môn Ngữ văn Khối 7
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP CHO HỌC SINH TRONG THỜI GIAN HỌC SINH NGHỈ HỌC PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 MÔN NGỮ VĂN LỚP 7
1. Tục ngữ:
- Học thuộc lòng các câu tục ngữ thuộc chủ đề về thiên nhiên và lao động sản xuất; tục ngữ về con người và xã hội.
- Giải thích câu tục ngữ và hiểu ý nghĩa các câu tục ngữ.
2. Câu rút gọn:
- Khái niệm: Là câu lược bỏ một số thành phần (chủ ngữ, vị ngữ), nhưng dựa vào ngữ cảnh có thể phục hồi lại được.
VD: Bạn đang làm gì thế? – Học bài.
(Rút gọn chủ ngữ, có thể phục hồi là Tôi đang học bài)
- Tác dụng: Làm cho câu ngắn gọn hơn, thông tin nhanh, tránh việc lặp những từ ngữ đã xuất hiện trước đó; ngụ ý dùng chung cho mọi người. 	
BT:
Câu 1: Câu nào sau đây là câu rút gọn?
	a) Cốm thường có vào mùa nào? - Mùa thu.
b) Người ta là hoa đất.
Câu 2: Xác định thành phần được rút gọn trong các câu sau :
a) Ai tặng cho chị con gấu xinh này thế ? - Mẹ chị.
b) Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.
Câu 3 : Câu nào sau đây là câu rút gọn?
	a) Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
b) Em học giỏi khiến cho cha mẹ vui lòng.
Câu 4: Xác định thành phần được rút gọn trong các câu sau :
a) Khi nào thì lớp con đi tham quan ? - Tuần sau ạ!
b) Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.
3. Câu đặc biệt:
- Khái niệm: Là câu không có cấu tạo theo mô hình chủ ngữ - vị ngữ.
- Tác dụng của câu đặc biệt: câu đặc biệt dùng để:
+ Xác định thời gian, nơi chốn diễn ra sự việc được nói đến trong đoạn:
VD: Mùa đông. Cảnh vật như rủ rượi.
+ Liệt kê, thông báo về sự tồn tại của sự vật, hiện tượng:
VD: Trên sân trường các bạn đang nhảy dây. Bắn bi. Kéo co.
+ Bộc lộ cảm xúc: 
VD: Trời ơi! Sắp mưa rồi mình phải chạy nhanh thôi.
+ Gọi đáp:
VD: Lan ơi! Lan ơi! Bạn có ở nhà không? – Vâng, mình đây!
BT: Tìm các câu đặc biệt trong các phần trích sau và cho biết tác dụng của chúng.
a) Ôi, đẹp quá! Sao lại có bông hoa bằng lăng nở muộn thế kia? 
	b) Mùa thu. Gió thổi cái mùi tinh tươm của cây cối còn sót lại từ ngoài ra tới cái thị xã nhỏ này. 
c) Đêm trăng. Biển yên tĩnh. Tàu Phương Đông của chúng tôi buông neo trong vùng biển Trường Sa.
	d) Đình chiến. Các anh bộ đội nón lưới có gắn sao, kéo về đầy nhà Út....
4. Thêm trạng ngữ cho câu:
- Về ý nghĩa, trạng ngữ thêm vào câu để xác định thời gian (trả lời câu hỏi: khi nào? Vào buổi sáng sớm, chim chóc hót nghe vui tai.), nơi chốn (ở đâu? Trong khu vườn, những cây mận trĩu quả.), nguyên nhân (vì cái gì? Vì bệnh, nên em phải nghỉ học.), mục đích (để làm gì? Để lãnh thưởng, em phải cố gắng học.), phương tiện (bằng cái gì? Bằng con dao, Chí Phèo tự kết liễu đời mình.), cách thức (như thế nào? Há miệng lấy thanh gươm, rùa lặn ngay xuống nước.) diễn ra sự việc nêu trong câu.
- Về hình thức:
+ Trạng ngữ có thể đứng đầu câu, cuối câu hoặc giữa câu.
+ Giữa trạng ngữ với chủ ngữ và vị ngữ thường có một quãng nghỉ khi nói, hoặc một dấu phẩy khi viết.
BT: Xác định trạng ngữ và nêu công dụng của các trạng ngữ đó trong các câu sau:
a) Tảng sáng, vòm trời cao xanh mênh mông. 
b) Ven rừng, rải rác những cây lim đã trổ hoa vàng, những cây vải thiều đã đỏ ối những quả.
c) Trên trời, những đám mây bồng bềnh trôi. 
d) Mùa xuân, hoa mai nở rất đẹp.
BT: Thêm trạng ngữ phù hợp cho câu :
a) Những đàn cá tung tăng bơi lội.
b) Những đám mây bồng bềnh trôi.
5. Văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta:
- Tác giả: Hồ Chí Minh.
- Phương thức biểu đạt: Nghị luận.
- Thể loại: Lập luận chứng minh.
- Nội dung:
+ Khái quát vấn đề: Dân ta có 1 lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quí báu của ta.
+ Chứng minh lòng yêu nước của nhân dân ta theo dòng thời gian lịch sử.
+ Chứng minh luận điểm “Đồng bào ta ngày nay rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước” bằng thực tế của cuộc kháng chiến chống Pháp.
+ Nhiệm vụ của Đảng trong việc phát huy hơn nữa truyền thống yêu nước của toàn dân:
* Biểu dương tất cả những biểu hiện khác nhau của lòng yêu nước.
* Tuyên truyền, tổ chức lãnh đạo để mọi người đóng góp vào công việc kháng chiến.
- Nghệ thuật:
- Đây là bài văn nghị luận mẫu mực: Luận điểm ngắn gọn, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng cụ thể, tiêu biểu, chọn lọc; sử dụng từ ngữ gợi hình; phép liệt kê ;...
- Ý nghĩa văn bản: Truyền thống yêu nước quí báu của nhân dân ta cần được phát huy trong hoàn cảnh lịch sử mới để bảo vệ đất nước.
BT: Viết đoạn văn từ 4- 6 câu trình bày suy nghĩ của bản thân về tinh thần yêu nước của nhân dân ta trong giai đoạn hiện nay.
Gợi ý:
- Ngày nay, truyền thống yêu nước của nhân dân ta vẫn được giữ gìn và phát huy.
- Lòng yêu nước trong giai đoạn hiện nay thể hiện ở một số khía cạnh như: Thi đua sản xuất; thi đua học tập; sống phù hợp với chuẩn mực đạo đức của xã hội; chấp hành nội quy của nhà trường, quy định của pháp luật;
- 
BT: Qua văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta của tác giả Hồ Chí Minh, theo em chúng ta sẽ làm gì để tiếp nối truyền thống yêu nước ấy?
Gợi ý:
- Tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước của nhân dân ta.
- Thi đua học tập; sống phù hợp với chuẩn mực đạo đức của xã hội; chấp hành nội quy của nhà trường, quy định của pháp luật;
6. Văn bản Đức tính giản dị của Bác Hồ:
- Tác giả: Phạm Văn Đồng
- Thể loại: Lập luận chứng minh + giải thích + bình luận.
- Phương thức biểu đạt: Nghị luận.
- Nội dung:
+ Đức tính giản dị của Chủ tịch HCM được biểu hiện trong đời sống, trong quan hệ với mọi người, trong lời nói và bài viết.
+ Đức tính giản dị thể hiện phẩm chất cao đẹp của HCM với đời sống tinh thần phong phú, hiểu biết sâu sắc, quý trọng lao động, với tư tưởng và tình cảm làm nên tầm vóc văn hóa của Người.
+ Thái độ của tác giả đối với đức tính giản dị của Bác Hồ: cảm phục, ca ngợi chân thành, nồng nhiệt.
- Nghệ thuật: 
+ Dẫn chứng chọn lọc, tiêu biểu, rất đời thường, gần gũi với mọi người nên dễ hiểu, dễ thuyết phục.
+ Lập luận theo trình tự hợp lý.
- Ý nghĩa văn bản: Ca ngợi phẩm chất cao và đức tính giản dị của chủ tịch HCM và bài học về học tập và làm theo TGĐĐHCM.
BT: Em học tập được gì từ văn bản Đức tính giản dị của Bác Hồ của tác giả Phạm Văn Đồng?
Gợi ý:
- Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM. 
- Sống phải biết quan tâm, trân trọng và yêu quý tất cả mọi người. 
- Ăn không cầu kì, phung phí. 
- Lời nói, bài viết dễ hiểu, dễ nhớ. 
7. Văn bản Ý nghĩa văn chương:
- Tác giả: Hoài Thanh
- Thể loại: Nghị luận văn chương.
- Phương thức biểu đạt: Nghị luận.
- Nội dung:
+ Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là tình cảm, lòng thương người, muôn vật, muôn loài.
+ Văn chương là hình ảnh của sự sống và sáng tạo ra sự sống, gây cho ta những tình cảm mới, luyện những tình cảm vốn có, làm cho đời sống tình cảm của con người trở nên phong phú, sâu rộng hơn nhiều.
+ Đời sống nhân loại sẽ rất nghèo nàn nếu không có văn chương.
- Nghệ thuật: 
+ Luận điểm rõ ràng được luận chứng minh bạch, đầy sức thuyết phục.
+ Có cách nêu dẫn chứng đa dạng: khi trước, khi sau, khi hòa với luận điểm, khi là một câu chuyện ngắn.
+ Diễn đạt bằng lời văn giản dị, giàu hình ảnh, cảm xúc.
- Ý nghĩa văn bản: Văn bản thể hiện quan niệm sâu sắc của nhà văn về văn chương.
BT: Chứng minh rằng "văn chương luyện những tình cảm ta sẵn có".
Gợi ý:
Nói đến ý nghĩa của văn chương, người ta hay nói đến: "Văn chương luyện những tình cảm ta sẵn có". Nội dung của văn chương bao giờ cũng là tình cảm của nhà văn đối với cuộc sống. Khi đã thành văn, tình cảm nhà văn truyền đến người đọc, tạo nên sự đồng cảm và làm phong phú thêm các tình cảm ta đã có. Qua bài Cổng trường mở ra, em thấy yêu thương hơn những ngôi trường đã học, thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn trong học tập và càng biết ơn các thầy cô giáo đã không quản ngày đêm dạy dỗ chúng em nên người. Em đã có lần phạm lỗi với mẹ. Bức thư của người bố gửi cho E RC trong bài Mẹ tôi đã làm cho em nhớ lại các lần phạm lỗi với mẹ mà em không biết xin lỗi mẹ. Em đã từng ước được đến Hà Nội vì em được biết qua thơ văn không khí của Miền Bắc lành lạnh, qua bài Mùa xuân của tôi em càng hiểu thêm về miền này và tác phẩm làm em phải suy nghĩ về tình cảm mình dành cho quê hương của mình. Tóm lại, văn chương có tác động rất lớn đến tình cảm con người, nó làm cho cuộc sống của con người trở nên tốt đẹp hơn.
8. Câu bị động:
- Khái niệm: Là câu có chủ ngữ chỉ người, vật là đối tượng của hoạt động. Câu bị động thường có từ bị hoặc được đứng phía sau chủ ngữ.
- VD: Con mèo bị con chó cắn.
(Trong đó, con mèo là đối tượng của hoạt động, con chó là chủ thể của hoạt động và có từ bị đứng sau con mèo).
BT: Trong các câu sau, câu nào là câu bị động ?
a. Nam được đi đá bóng.
b. Nam được mẹ cho phép đi đá bóng.
c. Ý kiến của chúng tôi bị người ta phản đối.
d. Con mèo làm vỡ lọ hoa.
e. Lọ hoa bị con mèo làm vỡ.
f. Con mèo bị con chó cắn.
9. Cụm chủ vị mở rộng câu:
- Khái niệm: Là cụm từ có kết cấu theo mô hình chủ - vị (cụm C – V) làm chủ ngữ, vị ngữ, phụ ngữ cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính từ.
- VD: Nhà này/ cửa rộng lắm!
 C V
	CN	VN
=> Cụm C – V làm thành phần Vị ngữ.
BT: Tìm cụm chủ-vị trong câu sau và cho biết cụm chủ-vị làm thành phần gì của câu ?
Chiếc bàn này chân đã gãy.
Nhà này cửa rất rộng.
10. Văn nghị luận:
- Văn NL xác lập cho người đọc, người nghe 1 ý tưởng, 1 quan điểm nào đó. Văn nghị luận có lí lẽ, dẫn chứng rõ ràng, thuyết phục.
- Văn NL có 3 yếu tố: Luận điểm, luận cứ và lập luận.
+ Luận điểm là: Ý kiến thể hiện tư tưởng, quan điểm trong bài văn nghị luận; Luận điểm đúng đắn, chân thực, đáp ứng yêu cầu thực tế.
+ Luận cứ là: Lí lẽ, dẫn chứng cụ thể làm cơ sở cho luận điểm, làm cho luận điểm có sức thuyết phục; Muốn có tính thuyết phục thì luận cứ phải chân thật, đúng đắn và tiêu biểu.
+ Lập luận là: Cách lựa chọn, sắp xếp, trình bày luận cứ để làm rõ luận điểm. Lập luận phải chặt chẽ, hợp lý thì mới có tính thuyết phục.
- Tìm hiểu một đề văn NL:
+ Nội dung đề: Mỗi đề nêu ra một khái niệm, 1 vấn đề lí luận.
+Tính chất của đề: Định hướng cho bài viết như lời khuyên, lời tranh luận, lời giải thích,... chuẩn bị cho người viết 1 thái độ, 1 giọng điệu.
- Cách lập dàn ý cho bài nghị luận: 
+ MB: Đưa ra vấn đề cần nghị luận và bày tỏ ý kiến của mình.
+ TB: Giải quyết vấn đề bằng các luận điểm. Bằng cách đưa ra các luận cứ (lí lẽ, dẫn chứng), lập luận để bài văn có sức thuyết phục cao.
+ KB: KĐ lại vấn đề đang bàn luận và bày tỏ chính kiến của mình.
- Để xác lập luận điểm trong từng phần và mối quan hệ giữa các phần, người ta có thể sử dụng các phương pháp lập luận khác nhau như: suy luận nhân quả, suy luận tương đồng,
BT: Lập luận cho luận điểm: “Sách là người bạn lớn của con người”.
 + Sách mở mang trí tuệ.
 + Sách giúp hiểu sâu hơn hiện tại, khám phá thế giới.
 + Sách đem lại thư giãn.
- Sách là người bạn lớn của con người nên cần được coi trọng.
10.1. Lập luận chứng minh:
- Khái niệm: Là phép lập luận trong văn nghị luận. Để làm sáng tỏ và thuyết phục người đọc, người nghe về một vấn đề nào đó (trong đời sống hoặc trong văn học) là đúng, phải dùng 2 chất liệu chính là lí lẽ và dẫn chứng (chủ yếu là hệ thống dẫn chứng). Lí lẽ phải có tình, có lí, lô gic. Dẫn chứng phải chọn lọc, tiêu biểu, chính xác, đáng tin cậy thì mới có sức thuyết phục
- Cách làm bài văn lập luận chứng minh:
a. Tìm hiểu đề, tìm ý:
 - Đọc kĩ đề, gạch dưới các từ quan trọng trong đề để xác định (kiểu bài: chứng minh, nội dung cần bàn luận, phạm vi dẫn chứng)
- Trả lời câu hỏi:
+ Em dự kiến lấy những dẫn chứng nào để chứng minh cho vấn đề ở đề bài? Những dẫn chứng đó lấy ở đâu? Cụ thể ra sao?
+ Với các dẫn chứng đã chọn, tìm, em dự định sắp xếp theo một trình tự nào là phù hợp?
(Gợi ý: có thể đi theo trình tự dẫn chứng như: lứa tuổi, địa hình, thời gian, hoạc thể loại văn học,)
+ Em dự kiến sẽ có các lí lẽ ra sao? Em sẽ liên hệ bản thân ra sao? Vấn đề đang bàn luận có tác động đến em thế nào?
b. Lập dàn ý:
- MB:
+ Dẫn dắt vào vấn đề cần chứng minh.
+ Nêu vấn đề chứng minh (trích dẫn câu cần chứng minh).
- TB: 
+ Luận điểm 1: Từ xa xưa ông cha ta đã có truyền thống..
Dẫn chứng làm sáng tỏ luận điểm:
+ Luận điểm 2: Truyền thống..vẫn được giữ gìn và phát huy trong xã hội ngày nay.
Dẫn chứng làm sáng tỏ luận điểm:
- KB: 
+ Khẳng định vấn đề vừa bàn luận là hoàn toàn đúng.
+ Liên hệ bản thân, rút ra bài học.
c. Viết bài:
d. Đọc lại và sửa chữa:
µ Một vài dàn ý:
Đề bài: Chứng minh: Sách là người bạn lớn của con người.
 MB: Không có gì thay thế được sách trong việc nâng cao giá trị đời sống trí tuệ và tâm hồn mình.
 TB:
+ Bất cứ ai và ở đâu cũng cần có sách để thoả mãn nhu cầu cần thiết trong học tập, rèn luyện, giải trí.
+ Sách giúp ta hiểu biết:
 Không gian bí ẩn.
 Thời gian lịch sử.
+ Sách giúp ta thư giãn
 KB: Phải biết nâng niu, trân trọng, yêu quý sách và chọn sách.
Đề bài: Nhân dân ta thường nói “Có chí thì nên”. Hãy chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ đó.
 MB: Nêu vai trò quan trọng của lí tưởng, của ý chí mà câu đúc kết.
TB: 
- Xét về lí lẽ: 
+ Chí là điều cần thiết để con người vượt qua mọi trở ngại: Nếu không có chí, không chuyên tâm, kiên trì thì sẽ khó thành công.
+ Không có chí thì không làm được gì.
- Xét về thực tế: 
+ Những người có chí đều thành công: Các bạn học sinh nghèo, nhờ có trí mà học giỏi (vượt khó học giỏi)
+ Chí giúp con người vượt qua những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua được.
+ Dẫn chứng: Nguyễn Ngọc Kí: bị liệt cả 2 tay, phải tập viết bằng chân vẫn tối nghiệp Đại học. Các vận động viên khuyết tật vẫn giành được huy chương vàng.
 KB: 
+ Khẳng định tính đúng đắn của câu tục ngữ
+ Liên hệ bản thân, rút ra bài học: Nên tu dưỡng ý chí, từ việc nhỏ à việc lớn.
Đề bài: Hãy chứng minh rằng bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.
MB: Nêu vấn đề bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.
TB: Dùng dẫn chứng để chứng minh cho vấn đề trên:
+ Rừng có tác dụng làm cho cân bằng sinh thái.
+ Rừng có tác dụng ngăn lũ.
+ Rừng có tác dụng ngăn gió.
+ Rừng có tác dụng chắn cát.
+ Nếu rừng bị tàn phá xẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của chính chúng ta.
KB: 
+ Khẳng định vai trò to lớn của rừng và ý nghĩa của việc bảo vệ rừng.
+ Lên án và phê phán những hành động làm ảnh hưởng tới sự an toàn và phát triển của rừng.
+ Liên hệ bản thân, rút ra bài học 
Đề bài: Hãy chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ" Có công mài sắt, có ngày lên kim".
MB: Nêu vấn đề: tính đúng đắn của câu tục ngữ "Có công mài sắt, có ngày lên kim".
TB: Dùng dẫn chứng để chứng minh cho vấn đề trên
+ Nghĩa đen: Từ việc làm cụ thể dù có khó khăn, vất vả đến đâu nhưng có sự cố gắng, kiên trì cũng đem lại thành công.
+ Nghĩa bóng: Từ nghĩa đen ở trên suy ra đối với mọi công việc dù có khó khăn, vất vả đến đâu nhưng có sự cố gắng, kiên trì cũng đem lại thành công.
Cụ thể:
+ Trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
+ Trong lao động sản xuất.
+ Trong học tập.
+ Trong cuộc sống.
+ Cần kiên trì kết hợp với sự năng động và sáng tạo.
+ Phê phán những con người thiếu kiên trì, dễ nản chí trước những khó khăn tầm thường hoặc kiên trì thiếu năng động và sáng tạo, thụ động, phiến diện mộy chiều.
+ Liên hê với những câu nói, những câu chuyện ca ngợi đức tính cần cù.
KB: 
+ Khẳng định tính đúng đắn của câu tục ngữ.
+ Liên hệ bản thân, rút ra bài học
Đề bài: Hãy chứng minh rằng: 
Thiên nhiên cần thiết cho sự sống của con người. Bảo vệ thiên nhiên chính là bảo vệ sự sống cho con người.
* Mở bài 
- Giới thiệu thiên nhiên, vai trò của thiên nhiên đối với cuộc sống con người và vấn đề bảo vệ thiên nhiên là bảo vệ chính sự sống của con người.
* Thân bài 
- Thiên nhiên cần thiết cho sự sống của con người: 
+ Thiên nhiên cung cấp ô xi cần thiết cho sự hô hấp của các loài động vật, trong đó có con người: con người có thể không ăn uống vài ngày nhưng không thể thiếu không khí trong vài phút.
+ Thiên nhiên cung cấp nước phục vụ cho ăn uống và sinh hoạt của con người.
+ Thiên nhiên cung cấp nguồn lương thực, nguồn dược liệu, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hàng hóa...
+ Thiên nhiên đáp ứng cho con người các nhu cầu tinh thần như nghỉ dưỡng, danh lam thắng cảnh, đề tài sáng tác cho văn chương và nghệ thuật...
- Bảo vệ thiên nhiên là bảo vệ sự sống của con người:
+ Bởi lẽ, con người luôn gắn bó với thiên nhiên, thiếu thiên nhiên con người khó tồn tại được:
+ Thiếu không khí, nước uống, lương thực: con người sẽ chết.
+ Thiếu cây cối, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng: con người sẽ bị tổn thất nặng nề vì thiên tai.
+ Thiếu cảnh quan môi trường: đời sống tinh thần của con người trở nên khô cằn và nghèo nàn.
+ ...
- Liên hệ thực tế: 
Nhân loại đã và đang có nhiều tác động tiêu cực đến thiên nhiên và đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường như ô nhiễm không khí (ảnh hưởng đến sức khỏe con người), ô nhiễm nguồn nước (nguy cơ thiếu nước sạch, phát sinh dịch bệnh), vấn nạn chặt phá rừng (Làm biến đổi khí hậu, gia tăng thiên tai)....
* Kết bài: 
	- Khẳng định vấn đề đã chứng minh: Thiên nhiên giữ vai trò cực kì quan trọng trong cuộc sống của con người, mọi người cần có ý thức bảo vệ thiên nhiên từ những hành động, việc làm nhỏ nhất...
	- Liên hệ bản thân.
Đề bài: Chứng minh rằng nhân dân Việt Nam từ xưa đến nay luôn luôn sống theo đạo lí “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”.
- MB: Nêu vấn đề cần CM: “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” “uống nước nhớ nguồn” là đạo lí sống của nd ta từ xưa đến nay.
- TB: 
+ Lí lẽ: Đạo lí “Ăn .. cây” “Uống .. nguồn” là biểu hiện của lòng biết ơn, biểu hiện ân nghĩa thuỷ chung của con người VN. Được thừa hưởng những giá trị vật chất và tinh thần của những thế hệ đi trước để lại, ND ta luôn biết ơn hướng về cội nguồn tỏ lòng thành kính đối với những thế hệ đã đi trước bằng những tình cảm và việc làm cụ thể.
+ Luận điểm 1: Từ xưa nd ta đã có đạo lí nhớ đến cội nguồn. Dẫn chứng: Dân tộc ta từ xưa đã có truyền thống thờ cúng tổ tiên,
+ Luận điểm 2: Ngày nay, con người VN ở thời hiện đại vẫn tiếp tục phát huy truyền thống đạo lí tốt đẹp ấy. Dẫn chứng:
- Những lễ hội tưởng nhớ đến tổ tiên: Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch)
- Ngày cúng giỗ trong gia đình 
- Ngày thương binh liệt sĩ 27/7
- Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11
- Ngày quốc tế phụ nữ 8/3,  
à Đó là những biểu hiện phù hợp với truyền thống đạo lí của DT.
- Xã hội hiện nay có một số phần tử làm trái với đạo lí của dân tộc. Dẫn chứng: con bất hiếu với cha mẹ, học sinh vô lễ,họ là những người bị xã hội lên án vì họ không có lòng biết ơn đối với tổ tiên của mình, những người hi sinh cho mình có cuộc sống tốt đẹp.
- KB: 
+ Kđ ý nghĩa của truyền thống đạo lí “Ăn quả  cây” “Uống nước nhớ nguồn” 
+ Nhiệm vụ phải phát huy truyền thống của dân tộc: kêu gọi mọi người thức tỉnh bảo vệ những cây cho ta trái chín, bảo vệ nguồn nước ta uống không bị ô nhiễm cũng như đang bảo vệ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Văn mẫu: Em hãy viết một bài văn để chứng minh rằng đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu chúng ta không có ý thức bảo vệ môi trường.
 Môi trường giữ vai trò quan trọng đối với đời sống của chúng ta. Một môi trường tốt sẽ tạo nên một cuộc sống tốt, con người có thể thỏa sức làm việc, nghỉ ngơi, vui chơi, phát triển. Còn ngược lại, một môi trường xấu, môi trường bị ô nhiễm, sẽ tạo nên một cuộc sống đầy rẫy bệnh tật và khó khăn, trở ngại.
    Vậy môi trường sống là gì? Môi trường sống chính là những gì bao quanh chúng ta, đó là không khí, là đất, nước, là cả những sinh vật nhỏ bé như những loài côn trùng, bò sát tất cả đều gọi là môi trường sống. Ở những môi trường sống ấy, con người có không khí để hít thở, có nước sạch để sử dụng, có cây xanh tỏa bóng mát, có đất đai để trồng trọt và chăn nuôi. Một môi trường trong lành sẽ ngăn ngừa sự phát triển của các loài vi khuẩn có hại, không khí sạch sẽ không để vi khuẩn, virus sinh sôi, nước sạch sẽ không có chỗ cho muỗi đẻ trứng, đất đai sạch sẽ không thể có các mầm mống gây bệnh. Đó chính là những ích lợi mà môi trường sống trong lành mang lại cho chúng ta. Được sống trong môi trường ấy, con người sẽ khỏe mạnh, sống vui, sống khỏe và làm được nhiều điều có ích.
    Thế nhưng, đời sống ngày càng phát triển, con người ngày càng được hỗ trợ bởi những thiết bị tiện nghi, hiện đại nên quên mất đi nhiệm vụ quan trọng nhất đó chính là bảo vệ môi trường. Cách sống ích kỷ trong xã hội hiện đại đã khiến chúng ta vô tình làm tổn hại đến môi trường sống. Tất cả mọi người, ngay cả những người lớn tuổi, vẫn hồn nhiên xả rác bừa bãi ra môi trường, rác thải theo mưa đi đến cống rãnh, làm tắc cống rãnh, đi đến sông suối làm ô nhiễm nguồn nước. Không khó để chúng ta bắt gặp trên mạng xã hội hình ảnh những loài động vật phải ngập ngụa trong rác thải của con người. Chưa kể là những rác thải hữu cơ rất có ích nếu dùng để ủ thành phân, bón cho cây trồng thế nhưng chúng ta không làm vậy, chúng ta thải ra môi trường, gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường sinh sống của chính chúng ta. Đó là chưa nói đến các nhà máy công nghiệp, lúc nào cũng ngùn ngụt khói trắng, khói đen tỏa ra trên bầu trời. Những thứ đó sẽ làm thủng tầng ozon, tạo mưa gió, lũ lụt, làm đời sống con người vô cùng cực khổ. Thêm nữa, chúng ta chặt phá rừng, gây đòi trọc, đất trống, mỗi khi mừa về sức nước lớn mà không có cây xanh giữ lại sẽ gây ra sạt lở, xói mòn.
    Những dẫn chứng nêu trên đã giúp chúng ta thấy được phần nào tác hại mà môi trường sống ô nhiễm gây ra. Thực tế đã có những vụ việc hết sức đau lòng trên đất nước Việt Nam. Đó là thảm họa cá chết ở bốn tỉnh miền Trung, là những dòng sông độc ở Thanh Hóa, là những vụ sạt lở chôn vùi nhà cửa thậm chí là sinh mạng con người. Tất cả chính là hệ quả của ô nhiễm môi trường. Như một vòng tròn nhân quả, con người gây ra ô nhiễm và cũng chính con người phải chịu đựng những cơn thịnh nộ của thiên nhiên.
    Trước những vấn đề cấp thiết như thế, giữ gìn môi trường sống không bị ô nhiễm chính là nhiệm vụ không chỉ của các nhà lãnh đạo mà còn là vai trò, trách nhiệm của mỗi người. Chúng ta cần góp sức lực vào việc bảo vệ môi trường, dù chỉ là những hành động đơn giản, nhỏ bé như nhặt rác, dọn vệ sinh trường, lớp, giữ vệ sinh đường phố sạch đẹp
    Tóm lại, môi trường chính là nơi chúng ta được sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Một môi trường trong lành sẽ là điều kiện thuận lợi để giúp chúng ta có thể học tập và phát triển. Còn ngược lại, nếu môi trường bị ô nhiễm thì cuộc sống chắc chắn sẽ bị tổn hại rất to lớn.

File đính kèm:

  • docde_cuong_on_tap_mon_ngu_van_khoi_7.doc